TIÊM FILLER – HIỂU RÕ TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH

TIÊM FILLER – HIỂU RÕ TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH

Tiêm filler là phương thức làm đẹp phổ biến. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 3 triệu người Mỹ lựa chọn hình thức làm đẹp này. Tiêm filler là gì, có an toàn không và cần lưu ý những gì trước, trong và sau khi tiêm? Hãy cùng Luna tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.

Khái niệm tiêm filler

Phương pháp Tiêm filler (tiêm chất làm đầy) là một quy trình thẩm mỹ nội khoa. Chất làm đầy được tiêm vào dưới da để làm che lấp các nếp nhăn, phục hồi nhan sắc khuôn mặt; thậm chí cải thiện các khuyết điểm trên khuôn mặt, khắc phục các dấu hiệu lão hóa để vẻ ngoài trẻ trung hơn, làm thon gọn gương mặt. (1)

Hình thức làm đẹp với filler được thực hiện trong vòng nửa giờ và thời gian phục hồi rất nhanh chóng. Kết quả làm đẹp có thể nhìn thấy ngay lập tức và kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm, tùy theo vị trí tiêm và chất lượng loại chất làm đầy da.

Tác dụng của tiêm filler

Collagen và HA đều là những thành phần liên quan đến da, cả 2 đều giúp da duy trì sự tươi trẻ và sức khỏe làn da.

Hoạt động như một loại keo dán, Collagen giữ cho tất cả các mô tế bào dính chặt vào nhau và có chức năng xây dựng các khối cơ như: xương, da, cơ, gân và dây chằng. Các bộ phận khác như mạch máu, giác mạc và răng cũng có collagen. Thế nhưng, theo thời gian khi cơ thể lão hóa, cơ thể chúng ta sẽ mất dần collagen. Riêng da, khi mất collagen sẽ trở nên mỏng hơn, mất tính đàn hồi và bắt đầu chảy xệ.

HA có khả năng giữ (ngậm) rất nhiều phân tử nước quanh nó, nhờ đó giúp da căng bóng. Khi da bị khô, mất nước sẽ trở nên nhăn nheo, có nếp nhăn li ti. Ngoài ra, HA ở trong lớp bì có tác dụng tái tạo mô (tissue repair). Chính vì vậy, FDA đã chấp thuận cho HA là thành phần chính của các chất làm đầy (filler) để tiêm vào các vùng thiếu hụt thể tích, trẻ hóa da.

Công dụng chung của tiêm filler:

  • Tăng thể tích cho vùng da được tiêm và khắc phục tình trạng chảy xệ.
  • Làm đầy các khuyết điểm và giúp khuôn mặt cân đối hơn.
  • Khắc phục các nếp nhăn trên khuôn mặt, trả lại vẻ ngoài trẻ trung.
  • Căng bóng da và thon gọn gương mặt.

Đối tượng có thể sử dụng phương pháp này

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ ra đối tượng phù hợp lựa chọn tiêm filler là những người từ 22 tuổi trở lên, có nhu cầu sử dụng chất làm đầy nhằm: (2)

  • Cải thiện tình trạng nếp nhăn trên khuôn mặt từ trung bình đến nặng.
  • Tăng độ đầy đặn của môi, má, cằm, hõm dưới mắt, đường viền hàm và mu bàn tay.
  • Phục hồi tình trạng mất mỡ trên khuôn mặt ở người có HIV.
  • Khắc phục sẹo mụn ở má.

Sự an toàn của tiêm filler

Đây là là phương thức làm đẹp an toàn nếu được áp dụng đúng cách. Tuy nhiên, chị em cần cân nhắc lựa chọn địa chỉ làm đẹp uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

Sau đây là cảnh báo của FDA về những trường hợp tiêm chất làm đầy không được chấp thuận:

  • FDA khuyến cáo không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
  • Không sử dụng các thiết bị bơm tiêm không có kim tiêm để đưa filler vào da. Các thiết bị này thường sử dụng áp suất cao, khó kiểm soát vị trí của chất làm đầy khi được đưa vào da và gây ra các vết thương nghiêm trọng. Thậm chí, trong một số trường hợp còn gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho da, môi và mắt.
  • Tránh tự ý mua và sử dụng các chất làm đầy được bán trực tiếp bên ngoài. Filler dạng này không được kiểm định chặt chẽ, có khả năng bị nhiễm hóa chất hoặc các virus gây bệnh.

Các loại tiêm filler

Có rất nhiều loại chất làm đầy da gồm: chất làm đầy tổng hợp (sử dụng vật liệu nhân tạo), chất làm đầy tự nhiên có trong cơ thể, khách hàng còn có thể sử dụng mỡ tự thân của chính mình. Tuy nhiên, cấy mỡ tự thân hiện nay vẫn chưa phổ biến và hiệu quả của nó cũng không cao. Nhất là khi so với sử dụng filler bán tự nhiên nên ít được lựa chọn.

Dưới đây là một số chất làm đầy tổng hợp được sử dụng phổ biến trên thị trường:

  • Axit Hyaluronic (HA) là một axit được cơ thể sản xuất tự nhiên. Chất này có tác dụng cấp ẩm và giúp làn da mềm mại hơn. Theo tuổi tác, cơ thể con người giảm sản xuất Axit Hyaluronic. Kết quả từ việc tiêm HA thường kéo dài từ 6 – 12 tháng.
  • Canxi Hydroxyapatite (CaHA) là một loại chất làm đầy có trong xương người. Hiệu quả làm đầy của CaHA thường kéo dài khoảng 1 năm. Các bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da thường sử dụng chất làm đầy CaHA cho các nếp nhăn sâu.
  • Axit Poly-L-Lactic (PLLA) là một chất giúp cơ thể tạo ra collagen. Bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da thường sử dụng PLLA để làm phẳng các nếp nhăn sâu trên khuôn mặt. Hiệu quả làm đầy của PLLA có thể kéo dài hơn 2 năm.
  • Polymethyl-methacrylate dạng vi cầu (PMMA) bao gồm collagen và những quả bóng rất nhỏ nằm dưới da, tăng thể tích và giúp da săn chắc.

Ưu và nhược điểm khi chọn tiêm filler

1. Ưu điểm

  • Làm đẹp với filler mang lại kết quả ngay lập tức.
  • Quy trình tiêm filler nhanh chóng, mất chưa đến 1 giờ.
  • Thời gian hồi phục sau khi tiêm filler là tối thiểu nếu so với các phương thức làm đẹp khác.
  • Làm đẹp da với filler ít tốn kém hơn so với các hình thức phẫu thuật.
  • Kết quả tiêm filler có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm tùy theo từng loại chất làm đầy.

2. Nhược điểm

Hình thức tiêm filler cũng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng nhưng rất hiếm (như tiêm chất làm đầy vào mạch máu và gây tắt mạch). Trường hợp có tác dụng phụ như dị ứng thuốc chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, dưới đây là một số rủi ro khách hàng cần nắm trước khi lựa chọn hình thức làm đẹp này:

  • Ngoại hình không cân xứng.
  • Sưng, đau, đỏ, bầm tím, chảy máu.
  • Tổn thương da, có thể gây ra sẹo.
  • Nhiễm trùng, có thể dẫn đến hoại tử trong trường hợp nặng.
  • Xuất hiện cục u hoặc vết sưng dưới da.
  • Tê liệt.
  • Nổi mụn giống như mụn trứng cá.
  • Phát ban và ngứa.
  • Hiếm có trường hợp gặp vấn đề về thị lực sau khi tiêm filler. Tuy nhiên nếu nhận thấy tình trạng này kèm theo cảm giác khó chịu, đau một bên cơ thể thì hãy đến ngay bệnh viện để được khám, điều trị kịp thời.

Mất bao lâu để phục hồi sau khi tiêm? 

Thời gian phục hồi của mỗi người sau khi tiêm filler là khác nhau, phụ thuộc vào:

  • Số lượng khu vực đã tiêm filler.
  • Loại filler đã sử dụng.
  • Sức khỏe tổng thể của khách hàng.

Hầu hết mọi người đều có thể hoạt động bình thường ngay sau khi tiêm chất làm đầy da. Tuy nhiên, bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da khuyến khích mọi người tạm ngừng việc tập thể dục hoặc các hoạt động thể chất cường độ cao trong 1 – 2 ngày.

Quy trình thực hiện tiêm filler

Một quy trình tiêm chất làm đầy da bao gồm các bước sau: (3)

Đánh giá khuôn mặt và đánh dấu các điểm tiêm filler

  • Bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da khám, đánh giá khuôn mặt, màu da của khách hàng và đánh dấu các điểm cần tiêm filler để làm đầy.

Tẩy trang, sát khuẩn và gây tê

  • Các vị trí tiêm filler được làm sạch bằng chất kháng khuẩn. Để giảm cảm giác đau, bác sĩ gây tê bằng cách làm lạnh vùng da ở vị trí tiêm, bôi thuốc mỡ hoặc tiêm thuốc trực tiếp.

Tiêm filler

  • Tại mỗi vị trí, việc tiêm filler chỉ cần thực hiện trong vài phút. Bác sĩ sẽ tiêm filler vào dưới da, xoa bóp, đánh giá và bổ sung thêm nếu thấy cần thiết. Tùy vào số lượng khu vực mà quá trình tiêm filler có thể hoàn thành trong 15 – 60 phút.

Phục hồi

  • Thông thường, sau khi tiêm filler có thể chườm túi nước đá để giảm sưng và cảm giác đau mà không cần dùng thuốc.

Những lưu ý cần biết khi tiêm filler

1. Trước khi tiêm

  • Khách hàng nên đi khám tại bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da tư vấn kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá khuôn mặt, xác nhận và đánh dấu những điểm cần tiêm filler. Ngoài ra, bác sĩ cũng đề xuất chất làm đầy phù hợp và tư vấn cho khách hàng kỹ lưỡng về thời gian phục hồi, các tác dụng phụ có thể xảy ra.
  • Lưu ý, khách hàng cần trả lời trung thực các câu hỏi của bác sĩ về tiền sử bệnh, dị ứng và các loại thuốc đang sử dụng. Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy.

2. Khi tiêm

  • Bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da sẽ làm sạch vùng cần tiêm, bôi hoặc tiêm thuốc gây tê. Điều này sẽ giúp khách hàng cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình thực hiện.
  • Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim mỏng hoặc canule để tiêm chất làm đầy vào dưới da. Tùy theo số lượng điểm cần làm đầy mà quá trình tiêm có thể mất vài phút cho đến tối đa 1 giờ.

3. Sau khi tiêm

  • Bác sĩ sẽ làm sạch vùng tiêm filler một lần nữa và áp dụng các liệu pháp giúp giảm sưng, đau cho khách hàng. Tình trạng sưng, đau, khó chịu sau khi tiêm là tác dụng phụ thông thường, nhưng sẽ hết hẳn sau vài ngày.
  • Kết quả có thể được nhận thấy ngay sau khi tiêm filler nhưng không giống nhau với tất cả mọi người. Mất bao lâu để thấy được kết quả và kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tiêm filler là một phương pháp thẩm mỹ có tính can thiệp tương đối ít, quy trình thực hiện đơn giản, hiệu quả cao và tương đối an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau một số tác dụng phụ thậm chí là những biến chứng nguy hiểm vẫn có thể xảy ra sau khi tiêm filler. Tốt nhất, bạn nên chắc những thông tin liên quan đến tiêm filler cũng như lưu ý một số vấn đề trước, trong và sau khi thực hiện phương thức này

Thông tin tham khảo

1/ Professional, C. C. M. (n.d.). Dermal fillers. Cleveland Clinic.

https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/22667-dermal-fillers

2/ Office of the Commissioner. (2023, July 7). Dermal Filler Do’s and don’ts for wrinkles, lips and more. U.S. Food And Drug Administration.

https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/dermal-filler-dos-and-donts-wrinkles-lips-and-more

3/ American Society of Plastic Surgeons. (n.d.). Dermal fillers procedure Steps.

https://www.plasticsurgery.org/cosmetic-procedures/dermal-fillers/procedure